Chú Giải Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXII Mùa Thường Niên (Lc 4,16-20) | Giáo Phận Phú Cường

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ HAI TUẦN XXII MÙA THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Lc 4,16-20

Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I: 1 Cr 2,1-5

Thưa anh em, khi tôi đến với anh em, tôi đã không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu mà loan báo mầu nhiệm của Thiên Chúa.

Trước Giáo đoàn Côrintô, Phaolô đã thử truyền giáo tại Nhã Điển (Athènes), tại đó ông đã thấy mình đứng trước những người Hy Lạp thích cãi gàn và nông nổi, ít thích tìm kiếm chân lý, chỉ thích cãi vã theo kiểu nhất thời. Ong đã thất bại (Cv 17,16-32). Trước các người Côrintô, một cộng đồng gồm toàn người bình dân (Thiên Chúa chọn những gì yếu hèn: 1 Cr 1,26), Phaolô khẳng định lại nguyên tắc ấy bằng gương sáng của mình: Tôi không có tài hùng biện, tôi yếu hèn, tôi chỉ là một chứng nhân nghèo nàn của một công việc quá sức tôi.

Các Tông đồ có uy thế thì không phải do họ thông thái, hay do những giá trị của riêng họ. Điều các Ngài loan truyền là “mầu nhiệm” của Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin làm cho con khiêm tốn hơn khi nghe lời Người. Xin cứu con khỏi những say mê nông cạn.

Tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô.

Không có gì khác.

Mà là Đức Giêsu Kitô, Đấng đóng đinh.

Như thế, thật là khác xa với tài hùng biện phàm trần và những lý thuyết khôn ngoan của các học giả tài ba. Núi Sọ không phải là nơi hẹn hò cho những người lý luận theo kiểu trần gian: Tự mình không ai thích đến đó cả. Nhưng chỉ chấp nhận theo sự định hướng của Thiên Chúa. Tôi có biết dành thời giờ để chiêm ngắm Thập giá không?

Lạy Chúa, xin tha thứ, vì con đã rất ít khi tận tình chiêm ngắm Chúa chịu đóng đinh để nhận thấy tình Người thương con hơn là lý luận suông.

Vì thế, khi đến với anh em, tôi thấy mình yếu kém, sợ sệt và run rẩy, tôi nói, tôi giảng mà chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn.

Phaolô, một trong các vị Thánh lớn nhất đã cảm biết sự yếu hèn nhân loại của mình. Người tự thú “sợ sệt và run rẩy”: Người không tìm cách bảo vệ cho mình một uy thế nào.

Gương mẫu làm sao! Phaolô đã không muốn “thuyết phục” bằng những lý luận sắc bén.

Ong đã nói như sợ sệt. Ong nêu lên chứng tá của mình. Giá trị việc truyền giáo không dựa vào các phương tiện nhân loại vẫn được thực hiện nhưng bằng “kinh nghiệm sống nhờ gặp gỡ Đức Kitô”. Phaolô đã thấm nhuần Đức Kitô.

Nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí.

Phaolô cảm thấy các phương tiện nghèo nàn của loài người mà ông sử dụng đều bất ổn, điều ấy không làm ông nhục khí, nhưng lại giúp ông thêm xác quyết: Quyền năng của Thần Khí luôn lấp đầy những khiếm khuyết mà ông cảm thấy.

Đức tin không phải là một sự chấp thuận thuộc lĩnh vực lý trí thuần túy nhân loại. Sau này, Thần học sẽ nói rõ: đó là một ân huệ của Thánh sủng.

Có vậy, Đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan của người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa.

Khi ai muốn cho kẻ mình yêu thương có Đức tin, thì không phải ra sức cãi lý với họ, hoặc trưng ra những bằng chứng … nhưng chỉ dùng “chứng tá đời sống Đức tin và nhờ cầu nguyện để ngày nào đó họ tự đặt vấn đề cho mình”.

Kitô giáo không phải là một thứ minh chứng ý thức hệ, hay hệ thống triết lý, nhưng là một sự “liên kết tình yêu” với Thiên Chúa: và sự liên kết này, trước tiên do Thiên Chúa khởi xướng. Tất cả sự hợp tác của ta, cần thiết hệ tại để Thiên Chúa hành động. Điều ta làm ngược lại là “đặt điều kiện cho Thiên Chúa và muốn Người hành động qua các yêu sách riêng của ta”.

“Sự tôn sùng ngẫu tượng” hàng đầu là: Coi tư tưởng của mình là chắc chắn: đem lấy tư tưởng đó làm mức độ cho Thiên Chúa, quả quyết mình thông hiểu mọi sự, tỏ ra mình có khả năng như Thiên Chúa!

Đức tin là một đặc ân tuyệt vời của các kẻ “nghèo hèn”.

Bài đọc II: 1 Tx 4,17-18

Anh em thân mến, chúng tôi chẳng muốn để anh em không biết gì về số phận những người đã an nghỉ.

Trên toàn thế giới, sự “an nghỉ” là hình ảnh của cái chết. Hình ảnh này êm ái và gây an lòng, vì khi một người “ngủ” thì họ sẽ “dậy”. Và thật tốt đẹp cho chúng ta khi chúng ta nghĩ tới những người đã khuất của chúng ta theo hình ảnh này.

Để anh em khỏi buồn phiền như những người khác là những kẻ không có niềm hy vọng.

Thực sự, hình ảnh này đem lại an tâm đi nữa, cũng không đủ để cho chúng ta một chứng cớ ngoài Đức tin vào Chúa Kitô: Dầu sao, sự an nghĩ này cũng sẽ là dứt khoát, và ngoài nhóm nhỏ “đã được thụ giáo” theo các tôn giáo có những bí nhiệm kiểu Đông Phương, toàn dân Hy Lạp thời đó đã không tin lắm vào đời sống bên kia. Nhưng cuộc điều tra thăm dò mới đây ở Âu Châu cho thấy rằng, đối với nhiều người đương thời, cái chết là “cùng tận” hư không.

Hoàn toàn nhận biết quan điểm thịnh hành, người tín hữu xác quyết sự sống lại: Đây là niềm hy vọng của họ! Và họ phải làm phát sinh từ đó niềm vui đặc biệt, có khả năng đặt thành vấn nạn cho những người không tin. Dầu vậy, có những Kitô hữu bị “thối chí” bởi sự chết. Và vị Tông đồ muốn cho họ những lý lẽ mới để mà hy vọng.

Lạy Chúa, xin giúp con, xin giúp mọi người được chết bình thản, và vững tin rằng người ta không rơi vào hư vô, nhưng “vào trong tay Cha” như Chúa Giêsu đã nói: “Con phó dâng linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).

Vì nếu chúng ta tin Đức Giêsu đã chết và đã sống lại, thì cũng vậy, những người đã chết nhờ Đức Giêsu, Thiên Chúa sẽ đem họ đến làm một với Người.

Chúng ta tin tưởng rằng: “định mệnh” của Chúa Giêsu cũng là định mệnh của chúng ta, nếu chúng ta sống kết hợp với Người, thông hiệp với thân mình Người.

Các Tin Mừng chưa được viết ra, nhưng điều cốt yếu trong sứ điệp của Tin Mừng đã được công bố: Chúa Giêsu, chết, sống lại!

Bởi vậy, chúng tôi dựa vào lời Chúa để nói cùng anh em điều này …

Điều Phaolô nói lần đầu, ngài ý thức rằng mình không sáng nghĩ ra. Đây không phải là một suy tư của loài người, kiểu triết học, một kiểu bói về bên kia mộ phần … chính Chúa Giêsu đã nói: Có thể Phaolô liên tưởng đến những câu Matthêu sẽ kể lại: “Con Người sắp đến với các Thiên Thần trong vinh quang Chúa Cha và sẽ trả lại cho mỗi người tùy theo việc họ làm” (Mt 16,27). Có lẽ Phaolô nghĩ tới những lời của Chúa Giêsu, dù không tìm thấy trong các bản Tin Mừng, nhưng nhờ lời truyền khẩu từ miệng người này đến tai người khác.

Và khi nghe lệnh và tiếng Tổng lãnh của Thiên Thần, và tiếng loa Thiên Chúa.

Phaolô dùng các hình ảnh văn chương truyền thống của khải huyền Do Thái: Tiếng Thiên Thần … tiếng “loa của Thiên Chúa” mà người ta chuyển dịch thành tiếng gọi của Thiên Chúa, bởi vì, thực sự các hình ảnh này là những bộ áo biểu trưng cụ thể không nên nghĩ theo chất thể, như trong quá khứ người ta thường làm như vậy quá nhiều.

Chính Chúa từ trời ngự xuống, và những người đã chết trong Chúa Kitô sẽ sống lại trước hết, rồi đến chúng ta, chúng ta sẽ được nhắc lên cùng với họ trên các tầng mây, chúng ta sẽ được ở cùng Chúa luôn mãi.

Những “lệnh”, “tiếng loa”, “tầng mây” chỉ để nói với chúng ta sứ điệp cốt yếu: chúng ta sẽ được ở cùng Chúa luôn mãi! Hiển nhiên, điều đó phải biến đổi hoàn toàn “ý nghĩa của sự chết”, đối với một Kitô hữu. Và đây không chỉ là nói đến việc sống bên cạnh Chúa Giêsu, mà ta có thể nói là thông phần với sự sống của Người, với các ân huệ thần linh của Người. Chính Chúa Giêsu đã nói: “Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì luôn kết hợp với Tôi và Tôi kết hợp với người ấy” (Ga 6,53-57).

BÀI TIN MỪNG: Lc 4,16-30

Chúng ta đã đọc liên tục Tin Mừng Máccô và Mát-thêu. Hôm nay, ta bắt đầu đọc Tin Mừng Thánh Luca cho tới cuối tháng Mười Một (nghĩa là từ tuần 22 thường niên đến tuần 34). Những đoạn Tin Mừng liên hệ đến thời thơ ấu của Đức Giêsu đã được trích đọc trong Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh, nay ta khởi sự đọc chương IV: Đức Giêsu được 30 tuổi, Người bước vào nếp sống công khai truyền đạo …

Luca … Ong ta là ai? Với vị Thánh sử thứ ba này, ta bước sang một thế giới khác, không còn là thế giới của người Do Thái nữa. Luca sinh tại Antiôkia xứ Syria. Ong thuộc thành phần trí thức, làm nghề y. Có lẽ được Thánh Phaolô rửa tội lúc trưởng thành, Luca trở nên bạn đồng hành truyền giáo cùng với Phaolô ngay sau đó.

Luca xây dựng Tin Mừng cũng dựa vào những yếu tố chung như của Máccô và Mát-thêu. Nhưng chính ông đã mất công tra cứu mà nơi đoạn chỉ mình Luca tường thuật.

Toàn bộ Tân ước sử dụng Hy ngữ cách văn chương và với kỹ thuật trước tác khéo léo nhất.

Cũng như mọi soạn giả khác, Luca có những nét và đặc tính riêng biệt: Tin Mừng của ông diễn tả niềm vui, lòng thương xót, đời sống nội tâm và cầu nguyện … Đó là một Tin Mừng mang tính xã hội rất cao, muốn cổ vũ một xã hội công bằng và hạnh phúc hơn. Trong đó, mọi kẻ bị xã hội cũ áp bức đều được đề cao: trẻ thơ, phụ nữ, những người nghèo khổ … Viết cho giới trí thức dân ngoại, Luca tránh đề cập đến những tập tục Do Thái, có thể gây ngỡ ngàng và phải mất công giải thích cho họ hiểu.

Rồi Đức Giêsu đến Nagiarét, là nơi Người sinh trưởng. Ngày Sabát, Người vào hội đường như thường lệ.

Người đến dự nghi lễ, như một người hành đạo bình thường. Ta thử chiêm ngưỡng Đức Giêsu xem sao: Ngày Sabát, Người ra khỏi nhà, đến nơi tập họp, họ tới chỗ của mình. Ở đó, Người hòa mình cùng với đám dân, cũng hát Thánh Vịnh, lắng nghe lời giảng của Rabbi, cùng xướng đọc kinh nguyện với đồng bào.

Người đứng lên đọc sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ Isaia. Người mở ra, gặp ngay đoạn chép rằng:

Công đồng Vatican II đã thiết lập lại truyền thống đọc Kinh Thánh trên đây:

Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, tuyên cáo lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, loan tin cho người mù biết sẽ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa (Is 61,1).

Toàn bộ sắc thái đặc biệt của Tin Mừng theo Thánh Luca được báo trước qua đoạn văn này. Thiên Chúa sẽ mưa hồng phúc xuống trên mọi kẻ bất hạnh và giải thoát tất cả những ai khổ đau.

Thông thường, tôi có quan niệm về Đức Giêsu như thế không? Tôi có quan niệm đời sống Kitô hữu của tôi phải như thế không? Đức Giêsu đã đến trần gian hai ngàn năm rồi, nhưng hiện nay tôi vẫn còn nhiều điều phải thực hiện theo đường hướng này: Nơi công trường lao động, trong các mối tương quan của tôi. Ta cần ghi nhận, con người loan báo điều đó, sống “nhân bản” như thế, cũng là loan báo một “sự hiện diện của Thiên Chúa”: Bởi vì, đó không chỉ là tình yêu thương con người, hay là hoạt động xã hội … nhưng chính là thể hiện chương trình của Thiên Chúa, và là hoạt động của Thần Khí … “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, để …”.

Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.

Đoạn văn của ngôn sứ Isaia đã viết cách đó đã mấy trăm năm. Nhưng đó không phải là tài liệu đã qua. Chính Hôm Nay Thiên Chúa vẫn còn dùng để chất vấn tôi.

 

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

Chúa Giêsu tại Na-za-rét

HOÀN CẢNH:

Đức Giêsu đã về giảng ở quê hương hai lần mà Lu-ca trong chương 4, 16-30 kể dồn vào một chuyện: lần thứ nhất từ câu 16-22a; lần sau từ câu 22b-53a tức cũng là lần Mát- thêu kể ở 13,53 và Mác-cô 6,7. Phản ứng của người đồng hương trước lời giảng của Chúa hai lần khác nhau: vừa khen ngợi Chúa vừa chỉ trích Chúa và thậm chí họ còn muốn thử thách Chúa làm những phép lạ Người đã làm ở Ca-phác-na-um

Ý CHÍNH:

Bài Tin mừng hôm nay ghi lại câu chuyện hai lần Đức Giê-su trở về giảng tại quê hương Na-da-rét để trình bầy Người sẽ bị một phần trong dân Do Thái chối bỏ và ơn cứu độ sẽ được rao giảng cho dân

ngoại.

TÌM HIỂU:

 14-15 “Được quyền năng thần khí thúc đẩy…”:

Đức Giê-su được chính Chúa Thánh Thần (mà Người đã lãnh nhận khi chịu phép rửa:3,21-22) đưa đẩy. Ơ đây Lu-ca cho thấy Người đã lãnh nhận Thánh thần một cách viên mãn để chu toàn sứ mệnh của Người (4,14.18) để trước hết đối đầu với ma quỷ trong cuộc chiến đầu tiên (4,1-13); và sau nữa là nguồn mạch phát sinh thông điệp và hoạt động cứu độ của Người (4,18-18)

16 “Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét…”:

Lu-ca trình bày lần rao giảng đầu tiên của Đức Giê-su ở trong một hội đường, là nơi hội họp của người Do Thái. Tại hội đường, ngày Sa-bát, người ta đọc sách luật, các sách ngôn sứ rồi tiếp theo là một bài giảng. Người Do Thái trưởng thành nào cũng có quyền được lên tiếng ở đó, nhưng thường những người coi sóc hội đường hay giao cho ai thông thạo Thánh Kinh làm công việc này (Cv13,15), ở đây họ trao cho Đức Giê-su.

17-19” Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a …”

-Lu-ca ghi chữ “gặp” ở đây, có nghĩa cho thấy Đức Giê-su đã không chọn và không sửa soạn trước, nhưng đã “gặp”, như có bàn tay quan phòng sẵn cho Người. Điều này chứng tỏ vai trò của Chúa Thánh Thần trong hoạt động cứu độ của Đức Giê-su.

-Theo sấm ngôn của ngôn sứ I-sai-a (Is 61,1-2) vai trò của sứ giả là loan báo một cách có hiệu quả việc chấm dứt những gì làm cho người nghèo đau khổ và những tàn phế trong cuộc sống, đồng thời công bố khai mạc thời kỳ trong đó con người sẽ được Thiên Chúa tiếp nhận như là hồng ân của Thiên chúa.

20-22”… Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe …”:

Đức Giê-su giải thích đoạn sách I-sai-a vừa đọc, được thực hiện ở nơi Người: Sự xuất hiện của Người như là sự khai mở thời hồng ân mà các ngôn sứ đã từng loan báoNhưng Người không nói rõ ra , cũng như Người không bao giờ nói mình là đức Kitô hay tiên tri. Người cung cấp cho thính giả các dấu chỉ, và để họ dùng trí thông minh mà đón nhận hay từ chối dấu chỉ được trao ban: Người mời gọi nhận ra cái mới mẻ đã xảy đến giữa họ do sự hiện diện của Người, và người ta đã thán phục.

23-24 ”Người nói với họ…”:

-Tuy tỏ ra tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Đức Giê-su, nhưng người Na-da-rét chỉ nhìn thấy một phương diện của Đức Giê-su là con ông Giu-se, họ không thể nhận ra nơi Người, vị ngôn sứ cuối cùng mà Is 61 đã ám chỉ, tức là họ không nhận ra Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế.

-Hiểu ra tâm trạng mù tối của dân nơi quê hương, Đức Giê-su đã diễn tả tâm trạng ấy bằng kiểu nói vấn nạn: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình …Đòi hỏi này sẽ được lập lại ở chân thập giá rằng: ”Nếu ông là Đấng Mê-si-a thì hãy tự cứu mình đi!”

đáp lại yêu sách này, Đức Giê-su trả lời bằng một câu tục ngữ: ”Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.” Ý tưởng này cũng đồng nghĩa:” Bụt nhà không thiêng.

25-27 ”Tôi nói cho các ông hay …”:

Đức Giê-su dựa vào hai ví dụ lấy từ các sách tiên tri (1V 18;2V 5) nói về câu chuyện bà góa thành Sa-rép-ta được ngôn sứ Ê-li-a cứu đói, và câu chuyện ông Na-a-man người Syria được ngôn sứ Ê-li-a chữa lành bệnh phong cùi để minh chứng rằng: dân Do Thái từ chối Chúa, thì dân ngoại đón nhận và được ơn cứu độ Đức Giê-su đem đến.

28-29 ”Nghe vậy mọi người trong hội đường phẫn nộ …”

Sự loan báo về đặc ân của It-ra-en đã chấm dứt và việc Thiên Chúa đón nhận các dân ngoại gây ra cơn thịnh nộ của người Do Thái (Cv13,44-45) và họ hành hung Đức Giê-su và muốn hãm hại Người.

30 ”Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi…”

Cử chỉ này của Đức Giê-su đã nói lên rằng giờ tử nạn của Người chưa đến, vì thế Đức Giê-su cứ tiếp tục con đường của Người và con đường này chỉ kết thúc tại Giê-ru-sa-lem

NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:

1. Nhìn vào Đức Giê-su:

a. Xem việc Chúa làm:

- “Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy “:

Chúa Giê-su được Chúa Thánh Thần thúc đẩy trong việc chiến đấu và chiến thắng cơn cám dỗ của ma quỷ (4,1-13) và trong việc thi hành sứ vụ cứu thế của Người. Chúng ta càng liên kết với Chúa Kitô bằng đức tin, cậy, mến, chúng ta càng được đón nhận ơn Chúa Thánh Thần để chiến đấu và chiến thắng ma quỷ , thế gian và xác thịt;đồng thời được ơn soi sáng , chỉ dạy và khôn ngoan thi hành nhiệm vụ Chúa trao ban.

- “Thần Khí Chúa ngự trên tôi…”

Chúa Giê-su áp dụng lời loan báo của sứ ngôn I-sai-a (61,8) về sứ vụ của Đấng Cứu Thế vào con người và sứ mạng của Người. Người kitô hữu chúng ta càng liên kết với Chúa Kitô thì càng dấn thân làm tông đồ cho Chúa.

- “Mọi người đều tán thành và thán phục lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người”:

Chúa Giêsu ngồi xuống và giảng dạy trong tư thế như một ông thầy, và lời giảng dạy của Người đã tác động được tinh thần và tâm hồn người nghe, khiến họ thán phục.

Khi dạy giáo lý và giảng giải Thánh Kinh, chúng ta cần có tư thế và tâm tình của một thầy giáo gần gũi và yêu thương người nghe, đồng thời lời giảng phải được phát xuất từ cõi lòng và niềm xác tín được chứng thực bằng đời sống cụ thể để có thể tác động vào tâm hồn người nghe.

- Chúa Giê-su trở về Na-da-rét để thăm gia đình và quê hương. Điều này chứng tỏ:

Chúa Giê-su vẫn duy trì mối liên hệ ruột thịt máu mủ trong gia đình và liên hệ tự nhiên. Dù ở chức vụ nào, bậc sống gì như đi tu…chúng ta cũng cần nêu gương trong mối liên hệ gia đình tự nhiên để nêu cao tinh thần ruột thịt cũng như thể hiện lòng hiếu thảo và biết ơn.

*Chúa Giê-su mặc lấy thân phận con người và chịu những luật lệ trong bổn phận làm người. Dù chúng ta có chức vụ và địa vị nào đi nữa, thì chúng ta cũng cần tôn trọng luật lệ trong bổn phận làm người đối với gia đình và xã hội.

b. Nghe lời Chúa nói:

- “Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”:

Chúa Giêsu muốn trình bầy sự xuất hiện của Người như là sự khai mở hồng ân mà các ngôn sứ đã từng loan báo. Người kitô hữu ở bất cứ môi trường nào, hoàn cảnh nào cũng phải làm nổi bật vai trò là ánh sáng thế gian, là men trong bột và là ánh sáng thế gian.

- “Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”:

Đức Giê-su là người thực sự

 Thoát khỏi luật tâm lý muôn đời là “bụt nhà không thiêng’. Nơi gia đình, trong cộng đoàn hay nơi quê hương, người tông đồ cũng thường bị coi rẻ và giảm giá

- “Tôi nói cho các ông hay…”:

Chúa Giê-su nói bằng những ví dụ cụ thể rút ra từ Thánh Kinh để giải thích giáo huấn của Người. Chúng ta cần dùng nhiều ví dụ cụ thể rút ra từ Thánh Kinh để hướng dẫn người nghe thêm xác tín về những chân lý trong đạo.

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.